Thị trường chứng khoán Trung Quốc, mặc dù giảm gần 60% từ đỉnh 2021, đang thu hút sự chú ý trở lại từ các nhà đầu tư. Gần 30% trong số 417 người tham gia khảo sát gần đây của Bloomberg Markets Live Pulse cho biết họ sẽ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc trong 12 tháng tới. Con số này cao hơn đáng kể so với 19% trong khảo sát tương tự hồi tháng 8 và 25% hồi tháng 3.
Sự sụt giảm mạnh của chứng khoán Trung Quốc chủ yếu do khủng hoảng nợ bất động sản, niềm tin tiêu dùng giảm sút và đà tăng trưởng kinh tế chững lại. Tuy nhiên, điều này cũng khiến thị trường trở nên rẻ hơn so với lợi nhuận của các công ty, thu hút những nhà đầu tư “đi ngược đám đông” như Invesco Ltd. và Pzena Investment Management.
“Trung Quốc là thị trường đang bị ‘bỏ rơi’, cho phép chúng ta mua cổ phiếu tương đối rẻ”, chia sẻ ông Vivek Tanneeru, quản lý danh mục đầu tư tại Matthews Asia ở San Francisco. Ông Tanneeru hiện đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu Trung Quốc trong hai danh mục đầu tư thị trường mới nổi mà ông quản lý.

Theo nghiên cứu gần đây của Goldman Sachs, việc các thị trường như Ấn Độ và Brazil vượt trội so với Trung Quốc trong năm 2023 đã khiến tỷ trọng phân bổ vốn cho Trung Quốc ở mức thấp nhất trong gần 10 năm. Dữ liệu khảo sát khác từ Bank of America cho thấy Trung Quốc cũng là thị trường châu Á bị đầu tư thấp nhất, tức là tiềm năng tăng tỷ trọng còn lớn hơn so với việc giảm.
Tuy nhiên, đầu tư vào Trung Quốc vẫn tiềm ẩn rủi ro đáng kể. Ngành bất động sản vẫn đang trong tình trạng bế tắc, ảnh hưởng đến niềm tin trong toàn bộ nền kinh tế. Khảo sát MLIV Pulse cho thấy đây được dự đoán là vấn đề lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2024.
“Bất động sản là ‘con voi trong phòng'”, nhận định Alejandra Grindal, chuyên gia kinh tế trưởng của Ned Davis Research. “Nhà là tài sản lớn nhất của hộ gia đình – đó là nơi phần lớn họ giữ tài sản. Nếu giá nhà không tăng, nó sẽ kìm hãm niềm tin.”
Cuối tháng 12, việc chính phủ Trung Quốc công bố dự thảo quy định hạn chế thời gian và tiền bạc chi tiêu cho trò chơi trực tuyến một lần nữa cho thấy khả năng thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó tác động đến giá cổ phiếu và khả năng tín dụng. TTuy nhiên, có những yếu tố tích cực để hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm giảm thuế và tăng cấp vốn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường đầu tư công. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tập trung vào việc mở cửa thị trường tài chính, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này đã góp phần tạo ra một tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán Trung Quốc, và có thể giúp nó phục hồi và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, như với bất kỳ thị trường chứng khoán nào, đầu tư vào Trung Quốc vẫn mang theo rủi ro và cần được xem xét cẩn thận. Việc tìm hiểu kỹ về các yếu tố kinh tế, chính trị và tài chính liên quan đến Trung Quốc là rất quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư thông thái.
(Tổng hợp Bloomberg)