Theo một ủy ban cố vấn độc lập của chính phủ Anh, không thể sử dụng thành tích giảm khí thải thành công trong quá khứ để trì hoãn các kế hoạch khí hậu hiện tại. Nếu không, mục tiêu “khí thải ròng bằng 0” có nguy cơ không đạt được.
Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022, Anh đã cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn yêu cầu do ảnh hưởng của đại dịch gây suy giảm kinh tế. Chính phủ đã hỏi Ủy ban Biến đổi Khí hậu liệu khoản “thặng dư” đó có thể áp dụng cho giai đoạn đánh giá tiếp theo hay không, cho phép Anh thải ra nhiều khí thải hơn nhưng vẫn không vượt quá giới hạn kỹ thuật.
Tuy nhiên, ủy ban giám sát đã rõ ràng từ chối đề xuất này.
Ông Piers Forster, Giám đốc lâm thời của Ủy ban, đã viết trong một lá thư gửi Bộ trưởng Năng lượng Graham Stuart, được công bố vào thứ Tư: “Chúng ta cần dựa trên thành công đã đạt được cho đến nay bằng cách đẩy nhanh, chứ không phải làm chậm, việc cắt giảm khí thải trong tất cả các lĩnh vực ngoài cung cấp điện.”
Anh có mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý là đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Họ sử dụng “ngân sách carbon” để đo lượng ô nhiễm mà quốc gia thải ra trong khoảng thời gian 5 năm. Trong ngân sách gần đây nhất, Anh đã có một “thặng dư” – tức là họ cắt giảm khí thải nhiều hơn yêu cầu.
“Lời khuyên dứt khoát của Ủy ban là không nên chuyển tiếp phần khí thải thặng dư từ Ngân sách Carbon Thứ ba,” ông Forster nói trong lá thư. “Điều cần thiết là duy trì một lộ trình giảm khí thải đầy tham vọng hướng tới Mục tiêu Khí thải Ròng Bằng 0.”
Thành công của Anh trong việc cắt giảm khí thải phần lớn đến từ lĩnh vực điện, nơi đã loại bỏ hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và thay thế chúng bằng năng lượng gió và các nhà máy chạy bằng khí đốt ít phát thải hơn. Lượng khí thải từ ngành công nghiệp cũng giảm do sản xuất giảm.
Ông Forster cũng viết rằng, trong hầu hết các lĩnh vực khác, bao gồm cả sưởi ấm nhà ở và giao thông vận tải, Anh đang đi sai hướng so với mục tiêu. Phân tích gần đây của công ty tư vấn DNV cho thấy nếu không có những thay đổi chính sách đáng kể, khoảng 60% ngôi nhà ở Anh sẽ vẫn sử dụng khí gastự nhiên để sưởi ấm vào năm 2050.
Ông Forster cũng viết rằng việc mang theo khoản thặng dư ngân sách carbon trước đây cũng sẽ làm suy yếu thông điệp mà Anh gửi tới các nhà đầu tư về sự chắc chắn của con đường hướng tới mục tiêu “khí thải ròng bằng 0”. Điều này cuối cùng có thể làm cho việc đạt được các mục tiêu khí hậu của đất nước trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
(Tổng hợp Bloomberg)